PHẬT PHÁP CĂN BẢN
Phóng sanh như thế nào mới có ý nghĩa và đúng chanh pháp.
Trong vô số pháp môn mà Đức Phật đã chỉ dạy, chỉ có phương pháp phóng sanh là dễ thực hành nhất để trưởng dưỡng lòng từ bi của chúng ta. Trong Luận Đại Trí độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sanh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất.” Thế nào gọi là phóng sanh? Phóng sanh tức là nhìn thấy các loại chúng sanh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống”
Đạo Phật được xây dựng trên nền tảng từ bi và trí tuệ. Từ bi và trí tuệ là là hai chủng tử sanh ra Phật. Trong bộ Đại trí độ luận quyển 27 của ngài Long Thọ có nói: “Từ bi là căn bản của đạo Phật.” Do vậy, chất liệu “từ bi” không thể thiếu trong giáo lý đạo Phật. Từ bi là do hai chữ “Từ” và “Bi” ghép chung lại. Đức Phật dạy: "Từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh chi lạc; Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ". “Từ” là lòng yêu thương, thường đem vui cho tất cả chúng sanh. “Bi” là lòng thương xót, thương dứt trừ đau khổ cho hết thảy chúng sanh. Từ bi là tình thương hoàn toàn vị tha không vị kỷ. Từ bi là một lòng thương rộng lớn vô biên, nó khiến người ta vận dụng tất cả mọi khả năng, phương tiện để làm cho mọi người, mọi vật thoát khổ được vui.
Trong kinh Từ bi, Đức Phật dạy:
Mong tất cả những ai
Hữu tình có mạng sống
Kẻ yếu hay kẻ mạnh
Không bỏ sót một ai
Kẻ dài hay kẻ lớn
Trung, thấp loài lớn, nhỏ
Loài được thấy, không thấy
Loài sống xa, không xa
Các loài hiện đang sống
Các loài sẽ được sanh
Sống hạnh phúc an lạc…”
Đây là lời nguyện ước đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn và ác tâm mà mong cho ai đau khổ và khốn đốn.
Trong vô số pháp môn mà Đức Phật đã chỉ dạy, chỉ có phương pháp phóng sanh là dễ thực hành nhất để trưởng dưỡng lòng từ bi của chúng ta. Trong Luận Đại Trí độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sanh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất.” Thế nào gọi là phóng sanh? Phóng sanh tức là nhìn thấy các loại chúng sanh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống”.
Phóng sanh có mười công đức như sau:
1. Không có nạn đao binh, tránh được tai họa chiến tranh tàn sát;
2. Sống lâu, mạnh khỏe, ít bệnh;
3. Tránh được thiên tai, dịch họa không gặp các tai nạn;
4. Con cháu đông đúc, đời đời hưng thạnh nối dõi không ngừng;
5. Chỗ mong cầu được toại nguyện;
6. Công việc làm ăn phát triển hưng thạnh gặp nhiều thuận lợi;
7. Hợp lòng trời, thuận tánh Phật, loài vật cảm ơn, chư Phật hoan hỷ;
8. Giải trừ oán hận, các đều ác tiêu diệt, không có lo buồn sầu não;
9. Vui hưởng an lành, quanh năm đều được an ổn;
10. Tái sanh về cõi trời hưởng phước vô cùng, nếu có tu Tịnh Độ thì được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Kinh Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức dạy rằng:“Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn.” Người phóng sanh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.
Pháp sư Viên Nhân cũng dạy rằng: “Tật bịnh, ung thư, tai nạn… sở dĩ có thể bất hạnh sanh ra là duyên nơi nghiệp giết hại trước kia chúng ta đã tạo nên mà chiêu cảm lấy quả báo này. Phương thức giải quyết chính là phóng sanh. Nhờ vào việc bỏ tiền, bỏ sức để cứu mạng phóng sanh nên có thể đền trả vô số món nợ sát sanh trước kia mà chúng ta đã thiếu. Điều quý báu nhất của mỗi chúng sanh đều là mạng sống. Giết hại chúng thì chúng oán hận nhất, oan cừu kết sâu nhất, cho nên nói nghiệp giết hại là nặng nhất. Ngược lại, cứu sống được chúng thì chúng cảm kích nhất, tạo được nhiều phước thiện nhất, cho nên nói công đức phóng sanh là đệ nhất. Những ai phê phán, hủy báng việc phóng sanh, hoặc cản trở nghi ngờ việc phóng sanh cần phải lưu ý. Vì cản trở người phóng sanh thì cũng giống như sát sanh, khiến cho hàng ngàn hàng vạn sanh mạng không được giải cứu, phải hàm oan mà chết. Tội lỗi đó thật là vô lượng vô biên. Nhất định phải gấp rút sám hối, sửa lỗi, nếu không thì khổ hình nơi địa ngục nhất định không tránh khỏi.”
Tất cả mọi loài chúng sanh đều ham sống sợ chết, không có gì quý hơn sinh mạng của mỗi chúng sanh. Chúng ta phóng sanh tức là trực tiếp giải cứu sinh mạng cho chúng sanh, vì giải cứu sinh mạng cho chúng sanh tức là giúp chúng sanh giữ lại được cái giá trị cao cả nhất, đáng trân quý nhất. Đức Phật dạy: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Chỉ vì nhân quả tội báo trong quá khứ mà nay thọ thân làm súc sanh, khi ác nghiệp tiêu trừ thì chúng có thể chứng thành quả Phật. Do vậy, khi thực hiện việc phóng sanh, chúng ta giúp chúng sanh thoát khỏi sự sợ hãi, sự oán hận khi cận tử nghiệp đến để sống tự do, an vui, có nghĩa là đã cứu được “Huệ mạng” của chúng sanh hay nói cách khác là cứu được một vị Phật trong tương lai.
Kinh Chánh pháp niệm có dạy: “Tạo một ngôi chùa chẳng bằng cứu một sinh mạng.” Công đức phóng sinh rất là thù thắng, bất khả tư nghị. Cho nên hiện nay, thực hành phóng sanh được phổ biến rất nhiều trong đời sống tu tập của người Phật tử. Nhưng thực hành phóng sanh như thế nào mới có lợi ích, mới đúng chánh pháp?
Ta thường thấy một số Phật tử mua chim, cá để phóng sanh. Nhưng họ không thả liền mà đem vô chùa chờ quý thầy làm lễ chú nguyện rồi mới thả. Có đôi khi quý thầy bận việc không làm lễ liền thì nhốt trong lồng qua đêm hay đến ngày hôm sau, đợi đến khi làm lễ thì mới thả. Hay trong những lễ lớn hay những dịp cầu an đầu năm hay cầu siêu, chúng ta thấy một số Phật tử gọi điện thoại đến chỗ bán chim, bán cá, bán lươn phóng sanh để đặt số lượng mua để phóng sanh. Hay có trường hợp thay vì mua 5 kg cá lớn thì người ta khăng khăng lấy số tiền đó để mua cho được 20kg cá nhỏ để phóng sanh và nghĩ rằng với số lượng phóng sanh càng nhiều thì công đức càng lớn. Thử hỏi phóng sanh như vậy có đúng không? Suy nghĩ như vậy có đúng chánh pháp không?...
Chúng ta cần phải hiểu rằng, phóng sanh xuất phát từ lòng từ bi, lòng từ tâm, thương xót khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Nhưng hành động rất tốt và rất đẹp của việc phóng sanh mà thực hiện không đúng cách thì không đem lại hiệu quả, dẫn đến mê tín, thậm chí còn bị tội báo. Như vậy, để việc phóng sanh có ý nghĩa và đúng pháp, chúng ta cần lưu ý những điều sau:
- Phóng sanh phải phát xuất từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi (như cầu sống thọ, cầu may mắn, giải trừ tật bệnh, cầu siêu…). Vì nếu không như vậy, việc phóng sanh tuy có tốt, nhưng công đức và phước báu chỉ là hữu lậu nhân thiên.
- Phóng sanh bằng cái tâm, chẳng cần được ai biết đến, chứ đừng theo phong trào, chạy theo chữ danh, muốn cho mọi người thấy để khen ngợi, để được tiếng tăm. Tâm từ bi mà không khởi sanh thì còn nói gì đến chuyện trưởng dưỡng.
- Phóng sanh là tự do, không phân biệt số lượng ít nhiều, lớn nhỏ, mắc rẻ, không chọn mua con này hay con kia để phóng sanh, vì chúng sanh đều bình đẳng cho nên đối tượng phóng sanh bao gồm tất cả chúng sanh, không chọn ngày giờ tốt xấu, không nên chờ dịp này hay dịp khác,…. Nên khi ta phát tâm thì liền thực hiện, tùy vào khả năng từ một, hai con đến muôn ngàn con phải lập tức cứu thoát chúng. Quan trọng là sự thành tâm, lòng từ bi của người phóng sanh chứ không phải là số lượng sinh vật được phóng sanh.
-Sau khi mua con vật để phóng sanh thì thả ngay càng nhanh càng tốt để chúng trở về môi trường sống tự nhiên, tự do thoải mái. Không nên chờ quý thầy chú nguyện rồi mới phóng sanh vì chúng ta phóng sanh từ lòng từ bi thì không thể nào nhẫn tâm nhìn thấy cảnh tượng “cá chậu, chim lồng”, tránh cho chúng phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng phải mất mạng trước khi được ta phóng thích.
- Khi phóng sanh tránh trường hợp đặt hàng trước vì khi chúng ta đặt hàng thì người bán sẽ truy bắt các con vật và nhốt chúng vào lồng hay chậu để chờ tới ngày giao. Điều này khiến các con vật đang sống trong môi trường tự nhiên tự do, có thể bị thương, bị đói, bị chết do bị giăng bắt. Cần tránh trường hợp mình tạo nghiệp tốt mà đẩy người khác phạm vào nghiệp ác. Ngoài ra, chúng ta không nên mua chim phóng sanh hoặc các loài vật được mang đến bán trong chùa. Vì việc làm này vô tình tiếp tay cho những người ác tâm, lợi dụng lòng từ của Phật tử, chuyên đánh bắt một vài loại chim (sẻ, én) để phục vụ cho phóng sanh.
- Khi phóng sanh cần quan tâm đến môi trường sống của nó, thả chúng về đúng môi trường sống tự nhiên của nó, không nên mua cá nước ngọt mà thả ở nước lợ, không thả vào môi trường khó sinh tồn hay làm hại các sinh vật khác…
- Khi phóng sanh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt, vì pháp sự này không nên kích thích lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức.
- Phóng sanh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng, khuyến phát tâm Bồ đề cho các loài hữu tình đó, nhờ công đức Quy y Tam bảo mà khi hết duyên mang thân súc sanh thì những loài hữu tình này sẽ được tái sanh lên cảnh giới cao hơn, được gặp Phật, nghe Pháp, giải thoát giác ngộ, tự độ cho bản thân và chúng sanh. Do đó, trong nghi thức phóng sanh có lễ quy y, sám hối cho chúng sanh, phát nguyện kết duyên lành với các chúng sanh đó, nguyện đời đời kiếp kiếp sanh ra được thân cận, làm quyến thuộc Bồ đề, cùng tu thành Phật đạo trước khi phóng sanh.
Tóm lại, người học Phật tăng trưởng lòng từ bi là điều rất cần thiết nhưng từ bi phải có trí tuệ. Để thực hiện việc phóng sanh có ý nghĩa và đúng pháp thì người phóng sanh cần có thực tâm và thực lòng, vận dụng tâm đại từ đại bi. Khi phóng sanh, chúng ta đi ra chợ, nơi bán các loài vật sẽ bị giết để làm thực phẩm cho con người (không có mục đích phục vụ cho việc phóng sanh). Khi đi mua không nên lặp lại nhiều lần ở một địa điểm và không có tính chất định kỳ để người bán không có sự chuẩn bị trước. Chúng ta gặp con gì thì mua con đó, không đặt trước, không phân biệt nhiều hay ít, lớn hay nhỏ mà chỉ tùy tâm và thành tâm. Sau đó cần chuẩn bị dụng cụ và chọn vị trí phù hợp để vận chuyển chúng đến nơi sẽ phóng sanh, cần tránh trường hợp thùng chứa quá nhỏ và vị trí quá xa. Trước khi phóng sanh, chúng ta nhiếp tâm chú nguyện đơn giản để khuyến phát tâm Bồ đề và để cho chúng gieo duyên lành với Phật Pháp: “Nam mô A Di Đà Phật (3 lần). Hôm nay, tôi gặp quý vị là có nhân duyên với nhau, nguyện nhiều đời làm quyến thuộc Bồ Đề, xin quý vị sám hối nghiệp chướng và quy y Tam Bảo.” Sau đó đọc tiếp:” Chúng sanh xưa nay tạo ác nghiệp, đều do ba độc tham sân si, từ thân miệng ý mà sanh ra, nay đối trước Phật cầu sám hối. Nam mô Cầu sám hối bồ tát (3 lần). Chúng sanh quy y Phật, chúng sanh quy y Pháp, chúng sanh quy y Tăng. Chúng sanh quy y Phật không đọa địa ngục. Chúng sanh quy y Pháp không đọa ngạ quỷ. Chúng sanh quy y Tăng không đọa súc sanh (3 lần). Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”.
Bên cạnh đó, có một số người cho rằng: “Người ta có tiền thì mới có điều kiện để mua các loài vật để phóng sanh, còn tôi cơm không đủ ăn thì dù có muốn phóng sanh cũng không thể thực hiện được”. Nghĩ như vậy là chưa hiểu về giáo lý đạo Phật. Trong đạo Phật, có ba cách để thực hiện các hạnh lành như phóng sanh, bố thí, cúng dường, ấn tống kinh sách, …Đó là: tự mình trực tiếp làm, hoặc thấy người khác làm sanh tâm vui mừng (tùy hỷ công đức), hoặc khuyến khích người khác làm thì cũng đều có công đức. Hòa Thượng thượng Trí hạ Tịnh dạy: “Trong Mười Đại Nguyện Vương của Bồ Tát Phổ Hiền, điều nguyện thứ năm là “Tùy hỷ công đức” dễ thực hành lắm, lấy công đức của người làm công đức của mình. Đây là Pháp tu thong thả nhẹ nhàng. Đối với các việc lành của người, chúng ta không vui mừng lại còn ngăn cản chê trách thì tổn phước. Còn tùy hỷ (vui mừng theo) thì Phước đức tăng thêm...”.
Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày, khi thấy đàn kiến bị ngập nước, thấy con giun nằm chỗ đất khô, thấy con ốc bò trên đường đi, thấy tổ chim non bị rớt, thấy các loài chim, loài thú bị mắc nạn, … chúng ta lập tức tìm cách giải thoát cho chúng, đưa chúng về môi trường sống tự nhiên. Những việc làm đơn giản này cũng là thực hành hạnh phóng sanh.
Hơn thế nữa, để thực hành hạnh phóng sanh một cách rốt ráo thì chúng ta cần phải phát nguyện ăn chay. Phóng sanh và ăn chay có liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Ăn chay cũng giúp giảm bớt số lượng chúng sanh bị bắt, bị giết để làm thực phẩm, cũng góp phần trưởng dưỡng lòng từ bi. Nếu chúng ta chỉ phóng sanh mà không ăn chay thì nghiệp sát vẫn không dứt.
Giáo lý Đạo Phật rất cao sâu nhiệm màu nhưng vẫn vô cùng thiết thực. Người Phật tử nếu biết thực hành, ứng dụng giáo pháp một cách đúng đắn vào đời sống hằng ngày thì sẽ có một đời sống an lạc.
Tác giả bài viết:
Nguyên Bình - Trần Đăng Thiện Quân
Trở về đầu trang >